Nhìn lại 10 năm bảo vệ môi trường ở Bình Thuận.
Cập nhật ngày 19/12/2015
BTO- Bảo vệ môi trường (BVMT) đang trở thành nhiệm vụ quan trọng của nhiều quốc gia. Sự biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm gia tăng đe dọa sức khỏe người dân, nạn phá rừng, lụt, bão… đang trở thành các vấn đề bức bách. Ở Bình Thuận cũng vừa tổng kết lại 10 năm thực hiện Nghị quyết 41 của Đảng về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Bãi xỉ than Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân phải phủ bạt để hạn chế ô nhiễm.
Cái được trước hết là nhận thức và hành động của chính quyền và các tầng lớp nhân dân đã chuyển biến tích cực, quan tâm hơn đến BVMT. Bộ mặt phố, phường, làng, xã, trụ sở cơ quan, trường học, công viên, bệnh viện ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn.
Chính quyền các cấp đã tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất – kinh doanh, dịch vụ - du lịch, khai thác tài nguyên khoáng sản (rừng, đất, nước, nguồn lợi thủy sản). Từ đó phát hiện, xử lý được rất nhiều vụ xâm hại môi trường.
Nhưng khuyết điểm nổi rõ là ý thức BVMT của một bộ phận dân cư còn thấp kém, nhất là cư dân ven biển, do tập quán lâu đời để lại. Tư tưởng coi nhẹ BVMT vẫn còn phổ biến ở nhiều vùng nông thôn. Nhiều nơi chính quyền và người dân chỉ tập trung làm kinh tế mà xao nhãng việc BVMT, làm môi trường ô nhiễm, xuống cấp trầm trọng.
Xâm thực dữ dội ven biển xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết
Kết cấu hạ tầng ở các đô thị còn lạc hậu, hệ thống thoát nước mương, cống nhỏ, hệ thống thu gom, xử lý rác thải yếu, đường phố nhỏ hẹp, công viên cây xanh và nơi vui chơi giải trí quá thiếu thốn, ảnh hưởng đến BVMT.
Vẫn còn nhiều cơ sở nhỏ lẻ (chế biến hải sản, chăn nuôi) chưa đưa vào các khu tập trung, cụm công nghiệp theo quy hoạch, mà nằm xen kẽ trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường sống của người dân.
Tình trạng khai thác kiểu tận diệt, khai thác đến cạn kiệt các nguồn tài nguyên rừng, biển, đất, nước, khoáng sản vẫn xảy ra.
Đặc biệt nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận mà xâm hại đến môi trường như: lén lút xả chất thải ra sông, suối, thải khói bụi, mùi hôi, nước thải ra môi trường xung quanh (các cơ sở chăn nuôi, chế biến hải sản).
Một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản (nhất là titan) hồi phục môi trường sau khai thác một cách đối phó, có lệ, gây ra hiện tượng xói lở, cát bay, sa mạc hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.
Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư công nghệ tiên tiến xử lý chất thải, có trường hợp thực hiện chỉ để đối phó cơ quan chức năng, dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng môi trường xung quanh, tạo ra các “điểm nóng” về an ninh, xã hội.
Lực lượng quản lý nhà nước về môi trường vẫn thiếu và yếu, nên nhiều vụ việc cơ sở sản xuất và doanh nghiệp xâm hại môi trường nhưng không phát hiện kịp thời.
Kinh phí, trang thiết bị (máy móc, dụng cụ, phòng thí nghiệm) dùng để phân tích, xét nghiệm phục vụ BVMT cũng thiếu thốn. Đến nay ở Bình Thuận chưa có đơn vị nào đủ khả năng thu gom, xử lý chất thải độc hại, nên việc vận chuyển, xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại rất khó khăn.
BVMT để phát triển bền vững là một nhiệm vụ quan trọng của Bình Thuận trong nhiệm kỳ mới. Hàng loạt vấn đề đặt ra như: xử lý tình trạng ngập úng mùa mưa ở các đô thị; sạt lở bờ biển do biến đổi khí hậu; sa mạc hóa vùng ven biển; bảo vệ và phát triển rừng… cần có quyết tâm và nguồn lực lớn để giải quyết.
Đặc biệt, thời kỳ đẩy mạnh CNH, Bình Thuận cần đặc biệt quan tâm BVMT khi cấp phép dự án đầu tư, cương quyết nói không với các dự án có công nghệ, trang thiết bị lạc hậu, không thân thiện với môi trường.
Trích nguồn: Báo Bình Thuận.
Website: http://baobinhthuan.com.vn